Hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp FDI tại Việt Nam
Ngày 6/4/2024 tại Hà Nội, Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội phối hợp với Công ty cổ phần Quản lý tài sản Thái Bình Dương (PAMCO) tổ chức Hội thảo với chủ đề Hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.
Hội thảo được tổ chức bởi Công ty Cổ phần Quản lý tài sản Thái Bình Dương (PAMCO), với sự đồng hành của Công ty Cổ phần Seaconsult, Next Challlenge Fund, các ngân hàng Standard Chartered, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển BIDV, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á SEABANK, Hệ sinh thái đầu tư công nghệ Timegroup và U2U Venture Builder.
Bà Đặng Thị Hương phát biểu tại Hội thảo
Bà Đặng Thị Hương – Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội; Bà Vũ Thị Tuyết Loan – Phó Trưởng phòng Tư vấn – Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội; Bà Lê Thị Ánh Tuyết – Phó Trưởng phòng Tư vấn – Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội; Bà Nguyễn Thị Thu Hòa – Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phía Bắc – Cục Phát triển doanh nghiệp; Bà Min Moon – Trưởng đại diện văn phòng Next Challenge Fund tại Việt Nam; Bà Dương Thị Kim Liên – Viện trưởng Viện Hỗ tợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo IBIA chủ trì và điều hành Hội thảo.
TS. Dương Kim Liên và các doanh nghiệp nữ Việt Nam, Hàn Quốc trao đổi chia sẻ kinh nghiệm
Đến dự có đại diện một số doanh nghiệp trong nước, một số doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, Luật sư, các chuyên gia tư vấn và một số ngân hàng tại Hà Nội.
Mục đích của Hội thảo nhằm đưa đến những thông tin, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư cần thiết để các doanh nghiệp cùng nhau thảo luận, đề xuất và đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm cải thiện hệ sinh thái hỗ trợ FDI tại Việt Nam.
Hội thảo mang đến cho các chủ doanh nghiệp những giá trị cốt lõi nổi bật: Thông tin các chính sách mới nhất của Chính phủ, thành phố Hà Nội liên quan đến quy định pháp lý, đầu tư nước ngoài và các ưu đãi thu hút FDI; Tháo gỡ khó khăn và cập nhật các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp FDI tại Việt Nam; Giải pháp tối ưu hóa chi phí cho các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, mô hình Co-working và bối cảnh hậu covid-19; Tiếp cận và xúc tiến hợp tác giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước.
Phát biểu tại khai mạc tại Hội thảo, Bà Đặng Thị Hương cho biết, đối với doanh nghiệp FDI, hệ sinh thái hỗ trợ không chỉ đơn thuần là các chính sách thuế thuận lợi hay quy trình hành chính đơn giản, mà còn là sự đồng hành trong mọi khía cạnh của hoạt động kinh doanh. Đây là điều cần thiết để giúp doanh nghiệp vượt qua những thách thức và khó khăn trong quá trình hoạt động tại Việt Nam.
“Tôi tin rằng, thông qua sự hợp tác chặt chẽ giữa Chính phủ, các cơ quan chức năng, các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp, chúng ta có thể xây dựng một hệ sinh thái hỗ trợ FDI mạnh mẽ và bền vững. Chúng ta cần tạo ra một môi trường lành mạnh và minh bạch, nơi mà doanh nghiệp có thể phát triển bền vững, đồng thời đóng góp tích cực vào sự phát triển của cộng đồng và xã hội”- bà Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh!.
Tại Hội thảo, các doanh nghiệp được nghe một số tham luận với chủ đề: “Các lưu ý khi doanh nghiệp FDI đầu tư và hoạt động tại Việt Nam” của Bà Vũ Thị Tuyết Loan; “Tối ưu hóa chi phí trong doanh nghiệp FDI tại Việt Nam: Mô hình Co-working và bối cảnh hậu covid-19” của TS. Dương Thị Kim Liên.
Bà Vũ Thị Tuyết Loan chia sẻ những thông tin về chính sách thu hút đầu tư
Bà Vũ Thị Tuyết Loan thông tin về những chính sách đối với các doanh nghiệp FDI tại Hà Nội, cụ thể như: Tăng cường xúc tiến đầu tư tại chỗ, hỗ trợ giúp đỡ nhà đầu tư, doanh nghiệp từ khâu đăng ký kinh doanh đến triển khai dự án và giải quyết những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện một cách có hiệu quả. Song song với đó, Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để thu hút FDI, rà soát thúc đẩy hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; Tiếp tục xây dựng các chính sách mới để tăng cường thu hút nguồn lực đầu tư xã hội, thảo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như: cơ chế xã hội hóa, đặt hàng doanh nghiệp xây dựng nhà tái định cư, quy hoạch cải tạo đồng bộ các khu chung cư cũ, các khu nhà ở xã hội tập trung quy mô lớn, xã hội hóa cấp nước sạch khu vực nông thôn, xử lý ô nhiễm môi trường tại các hồ trên địa bàn Hà Nội,..; Tạo chuyển biến căn bản về xây dựng chính phủ điện tử để giảm thời gian chi phí cho doanh nghiệp.Những dịch vụ công liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp đều có thế thực hiện trên môi trường mạng như: Đăng ký thành lập doanh nghiệp, đăng ký quyền sử dụng đất, cấp phép xây dựng, thuế, bảo hiểm xã hội,…
Đặc biệt, Bà Vũ Thị Tuyết Loan đã đưa ra những vấn đề thực tế hiện nay mà tất cả các doanh nghiệp trong nước hay nước ngoài đều phải tuân thủ những quy định của Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 tại Việt Nam, trong đó phải thực hiện chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, trách nhiệm nhà sản xuất với bảo vệ môi trường,..
Trong bối cảnh thực tế hiện nay, để doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam tốt, tuân thủ theo luật của Việt Nam, trong đó có kinh tế và bảo vệ môi trường là cả một vấn đề. Ở phạm vi Hội thảo này, TS. Dương Thị Kim Liên đã đưa ra vấn đề tối ưu hóa chi phí trong các doanh nghiệp FDI -mô hình Co- Working. Bà Dương Kim Liên đã đưa ra khuyến nghị trong việc tối ưu chi phí và bảo vệ môi trường, các doanh nghiệp FDI nên tận dụng không gian làm việc chung và chia sẻ các tiện ích và dịch vụ, các doanh nghiệp FDI có thể giảm chi phí vận hành, tiết kiệm chi phí thuê văn phòng, và tăng cường sự linh hoạt trong hoạt động kinh doanh. Mô hình Co-Working cũng giúp tạo ra một môi trường làm việc đa dạng và sáng tạo, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp FDI tạo ra mối quan hệ hợp tác và phát triển trong cộng đồng kinh doanh địa phương. Với những lợi ích này, mô hình Co-Working là một lựa chọn hấp dẫn và hiệu quả cho các doanh nghiệp FDI muốn tối ưu hóa chi phí và tăng cường cạnh tranh tại Việt Nam.
Bà Dương Kim Liên rất chú trọng đến việc Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói riêng cần có những chiến lược, chính sách để thu hút các doanh nghiệp FDI vào đầu tư tại Việt Nam, trách nhiệm của chúng ta là hỗ trợ cho họ các chính sách, cơ chế, giúp đỡ họ có dịch vụ thuế, luật hoàn hảo nhất.
Sau khi lắng nghe những chia sẻ của các nhà quản lý của Sở Kế hoạch và Đầu tư, các doanh nghiệp và các chuyên gia, nhà quản lý,…có mặt tại Hội thảo đã cùng nhau tọa đàm “Tháo gỡ khó khăn và cập nhập các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp FDI tại Việt Nam” nhằm giải đáp vướng mắc của doanh nghiệp trong và ngoài nước tại Việt Nam.
Chính sách đầu tư cần song hành với bảo vệ môi trường
Đây là một Hội thảo có ý nghĩa nhằm kết nối, kêu gọi và gợi mở, dẫn đường cho các doanh nghiệp FDI tự tin và yên tâm khi đầu tư tại Hà Nội, Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh thực tế hiện nay ở Hà Nội, Việt Nam thì câu chuyện doanh nghiệp FDI không chỉ quan tâm đến vấn đề đầu tư, lợi nhuận mà phải tuân thủ trách nhiệm với bảo vệ môi trường. Vì vậy, trong các bài tham luận của mình, ngoài các vấn đề chính sách, hỗ trợ, các chuyên gia, nhà quản lý có mặt tại Hội thảo đã quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường trong phát triển kinh tế, tiên lượng về vấn đề nguy cơ gây ô nhiễm môi trường ở khu vực FDI, chính sách đầu tư và chính sách về môi trường ở Việt Nam hiện nay không phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước.
Các chuyên gia, doanh nghiệp FDI mong muốn, để giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường, cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách, quy định về bảo vệ môi trường theo hướng rõ ràng hơn và ổn định hơn, khắc phục tính văn bản pháp quy thiếu hướng dẫn, ban hành không đúng lúc, hay thay đổi.
Khi có sự sửa đổi, bổ sung trong các văn bản pháp quy, các cơ quan quản lý nhà nước cần thông báo cho các doanh nghiệp đầy đủ và kịp thời. Cần xây dựng một hệ thống thông tin chính thức để giúp doanh nghiệp FDI cập nhật thông tin về chính sách và các yêu cầu từ các cơ quan chức năng; đặc biệt là cần tăng cường hiệu lực và hiệu quả thực thi các chính sách về môi trường. Công tác kiểm tra, giám sát cần được thực hiện đồng thời cả cơ chế tiền kiểm và hậu kiểm về vấn đề môi trường đối với các dự án FDI nói riêng cũng như dự án đầu tư nói chung.
Cần xây dựng năng lực quản lý môi trường cho phù hợp với các yêu cầu của pháp luật Việt Nam. Không chỉ tăng cường năng lực cho các cán bộ quản lý môi trường của các cơ quan có chức năng quản lý, mà còn cần đào tạo và nâng cao trình độ chuyên môn của các cán bộ phụ trách về môi trường ở các doanh nghiệp.
Cần có sự phối hợp ăn khớp giữa các cơ quan quản lý môi trường như: Cảnh sát môi trường, sở tài nguyên và môi trường, ban quản lý các khu công nghiệp… để tránh chồng chéo trong theo dõi, giám sát việc tuân thủ các chính sách, quy định của doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp FDI nói riêng, tăng tính hiệu quả của kiểm tra, giám sát.