Giáo dục STEM – cách tiếp cận phù hợp để nâng cao kiến thức, kỹ năng số
Giáo dục STEM giúp phát triển năng lực vận dụng kiến thức liên môn
STEM là viết tắt của các từ Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật) và Math (Toán học).
Giáo dục STEM là một quan điểm dạy học theo tiếp cận liên ngành, từ hai trong số bốn lĩnh vực nêu trên trở lên. Trong đó, nội dung học tập được gắn với thực tiễn, còn phương pháp học tập được gắn với thực hành để học sinh làm quen với việc phát triển ý tưởng sáng tạo và nắm bắt định hướng nghề nghiệp ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường.
Mô hình giáo dục STEM đang được phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam những năm gần đây.
Ở Việt Nam, giáo dục STEM đã được manh nha từ năm học 2006-2007, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo thử nghiệm việc thành lập các nhóm nghiên cứu khoa học tại một số trường THPT để chuẩn bị tham gia cuộc thi khoa học – kỹ thuật ISEF cấp tỉnh/thành phố.
Sau đó, vào đầu những năm 2010, bắt đầu xuất hiện các doanh nghiệp nhập chương trình giáo dục STEM từ nước ngoài về và đưa vào dạy ngoại khóa tại một số trường phổ thông ở những thành phố lớn.
Trong những năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều chủ trương ủng hộ và khuyến khích giáo dục STEM như đưa giáo dục STEM vào nhiệm vụ không bắt buộc của các trường THCS và THPT (năm 2014), chỉ đạo việc thành lập CLB STEM ở tất cả các trường phổ thông (năm 2015),…
Gần đây nhất, Chương trình Giáo dục phổ thông nới được công bố vào cuối năm 2018 đã thể hiện sự đề cao giáo dục STEM ở việc yêu cầu dạy học tích hợp, tạo điều kiện tổ chức các chủ đề STEM, góp phần phát triển năng lực vận dụng kiến thức liên môn giải quyết các vấn đề thực tiễn cho học sinh.