Các thành viên của “Cửa tiệm hạnh phúc” đều là những phụ nữ kém may mắn, đi lại hết sức khó khăn.
Làm lại “cuộc đời” cho… vải vụn
Gương mặt họ lấp lánh vui khi kể chuyện ra đời của từng sản phẩm. Những tấm vải vụn nên dáng hình của túi, của khẩu trang, của vật phẩm lưu niệm. Ẩn sau nó, là hạnh phúc từ những người tự tin giữ lấy cuộc đời mình…
Cửa tiệm hạnh phúc
Giữa gian nhà với mái hiên cũ kỹ, chừng 10 phụ nữ luôn tay bận rộn phân loại vải, rồi tạo đường kim mũi chỉ. Chúng tôi mơ hồ nghe thấy những “thanh âm hạnh phúc” từ sự rộn ràng này. Những âm thanh tạo ra từ tiếng cười nói, từ bàn chân lành lặn duy nhất đang đạp bàn máy may của cô Châu, từ đường kéo cắt mảnh vải thừa của cô Thủy… và từ rất nhiều cuộc điện thoại mà cô Mai nhận mỗi ngày.
Đinh Thị Mai – người đang làm chủ không gian này nói rằng những mảnh vải này phần nào giống cuộc đời của họ, là vải vụn nhưng không phải vải bỏ đi. Những tấm vải vụn làm nên “Cửa tiệm hạnh phúc”, hay cũng là làm nên hạnh phúc cho những phụ nữ khuyết tật của vùng ven Hội An…
Sau hơn 3 tháng từ ý tưởng đến hoạt động chính thức thì cửa tiệm đã hoàn thiện gần 400 sản phẩm gồm túi vải, khẩu trang, ví, túi hồ sơ… Đơn đặt hàng đến từ dự án Greenhub, Phòng TN-MT TP.Hội An cùng một số đơn đặt hàng online, qua đó đã hạn chế được hơn 300kg vải thừa và 60kg banner thải ra môi trường.
Những phụ nữ này hình như đều chung niềm lạc quan khi tự tay vun đắp nên “cửa tiệm” này. Chị Đinh Thị Mai được xem như đầu tàu. Những năm 2000, người ta thấy Mai bán hàng lưu niệm ở phố cổ, rồi may vá, học ngoại ngữ và làm công tác của Hội Người khuyết tật TP.Hội An. Cho đến bây giờ, người phụ nữ sinh năm 1969 này vẫn bền bỉ từng ấy chuyện. Và có thêm… “Cửa tiệm hạnh phúc”.
Một “xưởng sản xuất” của những phụ nữ khuyết tật ở phường Cẩm Nam được dựng ngay dưới hiên nhà trong ngõ nhỏ ở Cẩm Nam. Cầm trên tay một túi xách thành phẩm, người xem phải trầm trồ vì cách phối màu, từng đường may sắc sảo cũng như phong cách phóng khoáng mà chiếc túi mang lại. Nội lực tuyệt vời ẩn dưới vẻ trang nhã, thanh khiết như sương của mẫu túi canvas vàng cam làm chủ đạo.
Các thành viên của “Cửa tiệm hạnh phúc” đều là những phụ nữ kém may mắn, đi lại hết sức khó khăn. Ảnh: L.T.K
Điều không ai ngờ, nó được làm từ hàng trăm mảnh vải vụn. Là vải linen được dệt hoàn toàn từ sợi lanh, và được những phụ nữ di chuyển khó nhọc này mang về từ các tiệm may của phố cổ. Túi được may thủ công và kỹ lưỡng từng chi tiết.
Ngồi nhìn mê say đôi tay tạo nên những sản phẩm đẹp lạ lùng này, anh chàng nhiếp ảnh đi cùng phải bật thốt lên sự ngạc nhiên. Anh nói làm nghệ thuật luôn cần sáng tạo, những phụ nữ ở đây vừa đang làm nên những tác phẩm nghệ thuật vừa truyền đi cảm hứng về sáng tạo. Sự hiện diện của cảm hứng là điều nhất thiết phải có đối với mỗi người làm nghệ thuật chân thành.
Và cảm xúc hay cảm hứng về hạnh phúc, cũng là điều mà chị Mai cùng các chị em ở đây mong muốn cho mình và cho những ai sở hữu các sản phẩm từ họ. Nắng tràn qua giàn dạ lý hương phủ rợp góc sân.
Chỉ cần ở đó thôi, đôi khi họ chỉ lặng lẽ để làm, nhưng cuộc im lặng này lại mang đến bình an. Đó cũng là điều người phụ nữ 54 tuổi chân đi bên hụt bên đầy một mình đeo đuổi từng ấy năm, để chăm sóc cha già và để lo cho những chị em đồng cảnh ngộ.
Bà Trần Thị Lệ Châu, trong mạch chuyện về những ngày đầu tiên cùng làm với chị Mai, cho biết mình cởi mở hơn, dễ dàng thích nghi và không còn thấy mình khác biệt so với mọi người nữa.
Những kết nối
Cơ duyên để nên “Cửa tiệm hạnh phúc”, nếu chị Đinh Thị Mai là người khơi mở thì Đỗ Thị Ngọc Thảo, hiện là Chủ tịch Hội LHPN phường Cẩm Nam ở vai người kết nối.
“Những tấm vải thừa ở các tiệm may bên phố cổ bị bỏ đi, và tôi nghĩ đến chị Mai cùng những phụ nữ đang ở các vùng ven của Hội An như Cẩm Nam. Nên khi biết chị Mai có ý định làm một nhóm may sản phẩm lưu niệm, tôi nghĩ mình sẽ phải là người ở trong cuộc cùng họ.
Tôi dò hỏi kết nối từng tiệm vải, tiệm may ở phố để xin lại bởi các chị ở đây đi lại đều rất khó khăn. Mình có nguyên liệu để làm thì mừng rồi còn các tiệm may cũng khỏe vì đỡ phải bỏ thùng rác mớ phế phẩm này” – Đỗ Thị Ngọc Thảo nói.
Tháng 7 vừa rồi, Hội LHPN phường Cẩm Nam thành lập Câu lạc bộ Phụ nữ khuyết tật phường với 9 thành viên hiện sinh sống tại địa phương. Người lớn nhất 55 tuổi, người nhỏ nhất mới 27 tuổi. Như một duyên cớ, đến tháng 8 mô hình “cửa tiệm hạnh phúc” “gõ cửa” câu lạc bộ thông qua sự hỗ trợ của cơ quan chức năng và câu lạc bộ Vì môi trường Hội An (S.E.A Club).
Một chiếc túi vải may tay của nhóm phải mất cả ngày để hoàn thành. Ảnh: L.T.K
Sản phẩm của “Cửa tiệm hạnh phúc” tràn đầy tính nữ, với niềm ân cần, dịu dàng, mềm mại có trong từng chiếc túi may tay mấy ngày mới hoàn thành, từng chiếc khẩu trang vải được chăm chút đến từng màu sắc, logo.
Những phụ nữ ở đây đều chung cảm xúc, là cửa tiệm này như mái nhà của họ. Từng ngày một, thành viên của tiệm đông dần lên. Ngôi nhà trở thành biểu tượng được lựa chọn để logo “Cửa tiệm hạnh phúc” ra đời.
Ngoài sản phẩm là vải vụn, các sản phẩm tái chế từ bao nhựa, túi ni lông cũng được những phụ nữ này chăm chút. Nếu túi bằng vải vụn là thế mạnh của họ thì những chiếc túi từ vải bao xi măng, từ bao đựng gạo cũng trở nên duyên dáng và đặc biệt.
Giao mùa, tiết trời khiến những phụ nữ mang thương tật khó chịu. Nên nhìn quanh, chúng tôi thấy “ca làm” hôm nay chỉ có 4 người.
Áng chừng thắc mắc của khách, chị Mai bộc bạch: “Bữa nay trở trời, nhiều chị em mệt lả đâu có đi được. Nhóm chúng tôi 9 người thì cũng chỉ có 2 – 3 người là ngồi máy may được. Nhưng không sao, những người còn lại tùy theo sức khỏe mà phân chia công việc, người thêu tay, người phân loại vải, người phụ thu dọn thậm chí làm chưa quen thì ngồi chơi nói chuyện cũng vui rồi”.
Chị Mai còn bông đùa, ở đây ai cũng là “nhà thiết kế” vì không làm theo một khuôn mẫu nào cả mà tùy theo sức sáng tạo của mỗi người.
Bà Đinh Thị Mai vẫn từng ngày bền bỉ và còn nhiều ước mơ với “Cửa tiệm hạnh phúc“. Ảnh: X.H
Vân vê con thú bông nhỏ bằng vải mới may, bà Trần Thị Lệ Châu hào hứng: “Bình thường một tuần tụi tôi tập hợp làm khoảng 1 – 2 ngày. Bữa rồi có mấy đơn đặt hàng gấp cho kịp sự kiện, tôi phải xách mớ đồ về nhà tăng ca đến gần nửa đêm mới ăn cơm.
Có bộ trò chơi ô ăn quan khách vô thấy đẹp quá hỏi mua mà không làm kịp để chuyển cho họ. Mệt mà vui lắm”. Đời bà Châu giờ mới đụng tới kim chỉ. Bởi ngày trẻ bà chỉ lận lưng nghề cào hến như bao người con quê xứ cồn bãi này.
Mười ba năm trước, một cơn sốt ập đến khiến người phụ nữ dạn dày sương gió bị tổn thương hơn 50% sức khỏe, buộc lòng ngồi bó gối ở nhà. Từ ngày có câu lạc bộ, lòng bà thức tỉnh những niềm vui. Ngày qua ngày, chỉ mong xong sớm mớ việc nhà vụn vặt rồi tề tựu với chị em cùng hoàn cảnh để lao động, hàn huyên.
“Cửa tiệm” không có giờ giấc cụ thể, hết việc thì mọi người về. Hoặc giả khi nào trong người mỏi mệt thì chị em động viên nhau về nghỉ ngơi. Mọi người hay hóm hỉnh với nhau là các “ca làm” luôn có xe đưa đón nhân công tận nhà. Là bởi bà Thảo sẽ miệt mài chở từng lượt đến rồi lại đưa về.
Dù nhà mọi người cũng chỉ lòng vòng trên địa bàn phường Cẩm Nam nhưng nếu không ai phụ trách công việc này thì mọi thứ dở dang vì mọi người khó tự đi lại. Bà Thảo nhẩm tính, từ nay đến cuối năm chắc cũng tại nhà chị Mai sẽ hình thành một cửa tiệm nho nhỏ đúng nghĩa.
“Là để mọi người có một không gian làm việc, trưng bày sản phẩm tươm tất hơn để làm việc và để mô hình có thêm động lực duy trì lâu dài. Chúng tôi sẽ cố gắng kết nối để kết nạp thêm hội viên, tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực bao gồm kỹ năng kinh doanh, kỹ năng làm việc nhóm, cắt may, phối màu với sự đồng hành của Trung tâm Hỗ trợ phát triển xanh (Greenhub) và Phòng TN-MT thành phố” – bà Thảo bộc bạch.